Hàng Chính Hãng và Giá Trị Thương Hiệu

20/08/2020

-

Hoàng Quân

Trong khi các bài viết phân biệt hàng xịn, hàng fake nhận được sự quan tâm của khá đông Cộng đồng Tactical nói riêng và Outfit hàng Việt Nam xuất khẩu nói chung; thì mình nghĩ có một khái niệm mang giá trị quan trọng hơn : Hàng chính hãng.
Bài viết này sẽ chỉ nói về thương hiệu, giá trị thương hiệu và giá trị sản phẩm.

Giá Sản Phẩm Bao Gồm Giá Trị Thương Hiệu

Trước tiên, định nghĩa đầy đủ một sản phẩm, có thể ở nhiều hình thái. Một chiếc muỗng, một gói dầu gội đầu hoặc đơn giản là một nụ cười.

Bạn bước vào nhà hàng. Gọi một dĩa salad giá 100k. Số tiền bạn trả sẽ được chi cho các phần (các phần cơ bản để minh họa):

  • Chiếc dĩa đựng thức ăn: Nhà hàng mua chiếc dĩa đó với giá X. Chiếc dĩa sử dụng 1 năm, hết giá trị sử sụng, tiêu hủy. Tức là bạn và nhiều người khách khác đã góp tiền mua chung 1 chiếc dĩa để cùng đựng thức ăn.
    Sản phẩm hữu hình nào cũng có một giá trị và thời hạn sử dụng nhất định. Giá tiền của nó được chia đều cho các lần sử dụng.
  • Thức ăn: 1 phần trong 100k đó được chi trả cho nguyên liệu, là rau mà người nông dân trồng nên. Thù lao cho người đầu bếp nấu món ăn đó.
    Đây là sản phẩm tiêu dùng 1 lần. Dùng xong là hết.
  • Phí phục vụ của nhân viên bồi bàn. Người chào hỏi, chăm sóc, bưng đồ ăn ra và tạm biệt các bạn khi ra về.
    Đây là sản phẩm vô hình. Gọi chung là dịch vụ.

3 khoản trên, tôi ví dụ tổng giá trị tính ra tiền khoảng 50k. Còn lại 50k, đó là khoản:

  •  Thương hiệu của Nhà hàng. Bao gồm chỗ ngồi của bạn: vị trí, không gian, đèn, bàn ghế,… và lí do vì sao bạn chọn Nhà hàng đó cho bữa ăn của mình chứ không phải 1 dĩa salad ở quán ven đường hoặc tự nấu ăn ở nhà.

Riêng lí do thì sẽ tùy vào giá trị mà cá nhân người bỏ tiền ra mua nó cảm nhận. Hoặc tùy vào thói quen, mức độ và quan điểm tiêu dùng.

Như vậy, giá tiền của 1 sản phẩm là tổng của một chuỗi sản phẩm nhỏ hơn, cộng với giá dịch vụ và giá trị của thương hiệu.

Chúng ta có thể hình dung đơn giản hơn.

Khu bạn sống, có 2 bà bán bánh mì. Bà Bảy và bà Tám. Dù về mặt lý tính, bánh mì của 2 bà ăn đều no và có vị ngon như nhau. Nhưng bà Bảy đã bán ở đó từ rất lâu, lâu hơn bà Tám. Bả ế dầm dề hồi mới bán. Để có khách, bà làm cái bảng hiệu to đùng, chữ trên đó có thể nhìn thấy từ xa. Có vài ba người khách đầu tiên, bà tặng thêm cây xúc xích, cái tăm. Rồi để hẳn một thùng trà đá miễn phí bên cạnh xe bánh mì. Bà Bảy nhớ mặt và khẩu vị riêng của mỗi người. Bà cũng luôn chủ động cảm ơn, hỏi thăm họ. Bà thấy có nguyên liệu gì mới mới, hay hay, chẳng hạn thịt quay thay cho thịt nướng, bate khi xay bỏ thêm nhiều sữa, dưa leo thái lát dài thay vì lát tròn. Mỗi lần thử, bà đều hỏi ý kiến những người hay ăn xem họ thấy thế nào, ghi chép lại…

Dần dần, nói tới bánh mì bà Bảy ai cũng biết, cũng khen. Ta có thể thấy, bánh mì là thức ăn, là sản phẩm cụ thể, nhưng bánh mì bà Bảy là thương hiệu, dù bả bán đắt hơn bà Tám mấy ngàn, và dù bánh mì nào thì ăn cũng chỉ để no.

Như vậy, một sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi một công ty, ngoài giá trị về lý tính, công năng, tiện ích mà nó đem lại. (bánh mì ăn để no) thì giá trị thương hiệu bao gồm:

  • Chi phí đầu tư ban đầu (xe bánh mì)
  • Chi phí markting (bảng hiệu, đồ tặng kèm, khuyến mãi: xúc xích, tăm, trà đá,…), quảng bá, chăm sóc khách hàng (chào, hỏi thăm, cảm ơn)
  • Phát triển sản phẩm (thịt quay/thịt nướng, công thức bate, cách xắt dưa leo phải bỏ đi mỗi lần không đạt chất lượng)
  • Chi phí duy trì nhân sự và kênh phân phối (tiền mặt bằng, lương cho bà Bảy, anh chị em bà con phụ bán,…)

Những giá trị trên được tạo ra và công nhận sau một thời gian dài. Tiêu tốn rất nhiều tiền của, công sức, chất xám và tài nguyên.

Công ty và thương hiệu thực ra chỉ là khái niệm mang tính pháp lý. Tùy ngành và quy mô, một sản phẩm có thương hiệu đủ pháp lý để giao dịch trên quy mô và tầm cỡ lớn hơn sẽ cần phải đăng ký kinh doanh và chịu nhiều sự ràng buộc, kiểm soát, có logo nhận diện và hàng ty tỷ thứ khác. Nhưng ngược lại, nếu chỉ có tính pháp lý mà không mang những giá trị trên thì chưa được gọi là có thương hiệu.

Vì Sao nên mua hàng chính hãng ?

Mấu chốt là, nếu chỉ quan tâm đến giá trị lý tính mà bỏ qua hết những thứ còn lại. Cụ thể là hành vi mua hàng và tiêu dùng sản phẩm không chính hãng, hàng nhái (làm giả), hàng sao chép (copy kiểu dáng, thiết kế, chất xám) sẽ phủ nhận giá trị của tất cả các giai đoạn tiêu tốn chi phí ở trên. Khi lợi nhuận từ bán hàng quay trở lại với công ty đã nghiên cứu và sản xuất để tạo ra sản phẩm đó, người tiêu dùng mới có thể nhận được những sản phẩm với công năng và tiện ích tốt hơn trong tương lai.

Nói đến đây, chắc các bạn cũng đã liên hệ trực tiếp được với câu chuyện của Chuyentactical.com, về các sản phẩm chính hãng và các sản phẩm được gọi là “hàng Việt Nam xuất khẩu” rồi đúng không?

Như đã có nói ở trên, việc chọn mua hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thói quen, mức độ và quan điểm tiêu dùng. Cá nhân mình không đưa ra những thông tin trên để chỉ trích một người hoặc nhóm người nào. Nhưng hơn hết, đó là mong muốn đưa đến cho khách hàng của mình những sản phẩm mang ý nghĩa và giá trị trọn vẹn của nó. Hành vi tiêu dùng của chúng ta ngày hôm nay sẽ phần nào quyết định đến chất lượng của những sản phẩm mà thế hệ sau nhận được.

Bên cạnh đó, cũng xin lời tri ân những người anh em có cùng đam mê gần xa, đã tin tưởng, ủng hộ triết lý kinh doanh, ghi nhận những đóng góp và đồng hành cùng Chuyentactical.com suốt thời gian qua.

Xin chân thành cảm ơn mọi người đã đọc bài !

Đăng kí nhận email

Đăng ký tin nhắn để nhận các thông tin
mới nhất từ Chuyentactical

    Giỏ hàng

    Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng!