Ở bài viết trước: “Sự tích cái tem “Made in Vietnam?” – Chuyentactical đã cùng các bạn tìm hiểu về lịch sử phát triển cùng những thành tựu vượt bậc của ngành gia công may mặc Việt Nam. Đồng thời cũng đưa ra một số khái niệm để chúng ta có thể có cái nhìn kỹ hơn về quy trình một hàng hoá được tạo ra và đưa đến tay người dùng theo đúng quy trình của nó.
Mỗi ngành, mỗi hàng hoá có đặc trưng khác nhau sẽ có những thị trường, con đường đi và mặt trái tiêu thụ khác nhau. Với vai trò là Đại lý chính hãng của nhiều brand Tactical, EDC nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam; cộng với nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều kênh cung ứng hàng hoá. Hôm nay, Chuyentactical sẽ cùng các bạn điểm lại một chút về quá trình hình thành, thay đổi và phát triển của riêng ngành Balo, túi (ở đây sẽ được hiểu là sản phẩm Brand nước ngoài, đặt hàng gia công tại Việt Nam), trong giai đoạn khoảng 10 năm trở lại đây. (từ năm 2010)
Như các bạn đã biết, quy trình vận hành để đưa một sản phẩm từ thời điểm ý tưởng đi ra bản vẽ, đến tay người tiêu dùng cuối cùng sẽ trải qua các giai đoạn:
- Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm của thương hiệu cho ra đời và phát triển sản phẩm đó.
- Thương hiệu sở hữu sản phẩm tiến hàng đặt hàng sản xuất/gia công.
- Trong trường hợp đặt hàng gia công ở một quốc gia khác. Hàng hoá thường sẽ được nhập trở lại vào kho của thương hiệu sở hữu hàng hoá đó.
- Cuối cùng, hàng hoá sẽ đến tay người tiêu dùng dựa trên sự hợp tác thương mại giữa nhãn hàng và các hệ thống phân phối sỉ/lẻ.
Xem thêm tại: “Sự tích cái tem “Made in Vietnam”.
Đối với các sản phẩm balo, túi xách. Các nhà máy sản xuất balo túi xách cho các thương hiệu danh tiếng trên thế giới đều được đặt tại Việt Nam. Cụ thể là các tỉnh như Bình Dương, Long An, vùng ven Thành Phố Hồ Chí Minh … Các bạn có thể tìm thấy dòng chữ “Made in Vietnam” trên tag xuất xứ của gần như 99% các Brands thời trang, Outdoor và Tactical trong các Mall, khu thương mại trên khắp thế giới.
Một số thương hiệu mà các anh em trong cộng đồng “xê dịch”, Tactical sành hàng có thể điểm mặt đặt tên khi chỉ vừa thoáng thấy logo phải kể như:
Các thương hiệu High-End của Scandinavian Outdoor Group: Haglof, Fjallravan, Thule, Bergans, Lundhags….
Các thương hiệu outdoor đình đám xuất hiện thường xuyên trên loạt channel National Geographic, Lonely Planet, Discovery như : Arcteryx (Canada), Osprey (Mỹ) , Salomon, Salewa, The North Face, Mammut, Gregory, Deuter, …
Với các Brand Tactical, EDC, một số dòng sản phẩm cao cấp sẽ Made in USA để bảo tồn giá trị. Còn lại đều được sản xuất tại Việt Nam, như: 5.11 Tactical, Helikon-Tex, Direct Action, True Spec, Vansquest, Mystery Ranch, First Tactical, Vertx. Condor và Maxpedition sau một thời gian dài Made in Taiwan và China thì tới năm 2019 hầu hết cũng đã chuyển qua Made in Vietnam.
Xem thêm: Tìm hiểu ngay thương hiệu balo Việt Nam hot nhất hiện nay
5.11 Tactical có thể coi là một khách hàng siêu lớn cho các nhà máy gia công tại Việt Nam. Khối lượng đơn hàng gia công lớn đến mức phải chia nhỏ cho hơn chục nhà máy trải dài từ bắc vào nam. Riêng một vài sản phẩm trong dòng AMP mới nhất của hãng chỉ được gia công số lượng ít ở Bangladesh vì còn đang trong quá trình thử nghiệm và phát triển. Cá nhân mình rất tự hào vì việc này dù giá trị gia tăng chúng ra làm ra không lớn, chủ yếu dừng lại ở phần gia công. Nhưng nhìn vào chi tiết một sản phẩm đạt tiêu chuẩn chính hãng, chúng ta có thể thấy được sự tỉ mỉ, tinh tế nhất định, phần nào đánh giá được tay nghề công nhân Việt Nam và công nghệ của máy móc sản xuất.
Bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2012, khi quy mô các nhà máy càng lớn, hoạt động càng lâu bắt đầu sinh ra một lượng hàng ngoài luồng. Vì nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan và cả quy trình quản lý nhân sự yếu kém. Chúng ta tạm phân loại các loại hàng hoá đó gồm:
- Hàng hải quan: hàng bị đánh cắp trong giai đoạn nhập cảng thông quan (trong kho, bãi hoặc trên xe, trong quá trình vận chuyển) để xuất về lại cho công ty đã đặt hàng sản xuất. Số lượng cực ít.
Loại hàng hoá có được ở công đoạn này thường có đầy đủ tem chứng nhận QC (Quality Control), bao bì theo tiêu chuẩn một sản phẩm bán lẻ ra từ Store. Chất lượng đạt 100%. Nhưng ít có thương nhân nào dám can thiệp vì khả năng dính líu tới các vấn đề pháp lý là rất cao. Người tham gia vào dây chuyền đánh cắp sản phẩm ở công đoạn này có nguy cơ chịu trách nhiệm hình sự, căn cứ vào giá trị hàng hoá.
- Hàng mẫu: đây là bản mẫu được gia công theo thiết kế của hãng nhằm mục đích thử nghiệm hoặc chứng tỏ năng lực sản xuất của đơn vị gia công, trước khi tiến đến ký kết hợp đồng gia công chính thức số lượng lớn. Chất lượng tuỳ tiêu chuẩn đánh giá mỗi người, vì chỉ có người kiểm duyệt để ký hợp đồng mới biết nó đạt hay không. Số lượng ít. Thường sẽ có tem: “Sample not for resale”.
(Mặt hàng này hiện tại có rất nhiều thương lái/người dùng “thần thánh” hoá nó lên, kiểu như: “độc nhất”, “chắc chắn xịn”,… Nhưng như vừa trình bày, chắc các bạn cũng có câu trả lời cho mình!?)
- Hàng huỷ hợp đồng: Các sản phẩm bị từ chối bởi thương hiệu đặt hàng gia công vì vi phạm các điều khoản trong hợp đồng, như: không đạt tiêu chuẩn, trễ thời hạn, bảo mật bản thiết kế, máy móc không đạt chất lượng… Hoặc cá biệt có trường hợp hãng huỷ thiết kế nên bỏ luôn hàng đã đặt gia công (Giống với hàng mẫu, loại hàng này chính thức có mặt trong hợp đồng gia công, nhưng lại không thể tìm thấy trên website chính hãng hoặc ở bất cứ Store nào). Hàng loại này có số lượng nhiều, nhưng chỉ theo đợt. Chất lượng 50% đến 90% tuỳ lí do huỷ hợp đồng là gì.
Hai loại hàng mẫu và hàng huỷ hợp đồng, theo đúng quy trình sẽ bị TIÊU HUỶ để bảo vệ uy tín của thương hiệu và khách hàng của nhà máy. Nhưng đôi khi bị thanh lý ra thị trường tiêu dùng bên ngoài để trục lợi. Cộng với lượng hàng không nhỏ bị đánh cắp trên dây chuyền sản xuất, giai đoạn lưu kho, đóng gói, vận chuyển,… được biết đến với thuật ngữ “Hàng tuồn”.
Giai đoạn sau, nhận ra sự hao hụt hàng hoá và giảm sút uy tín với các thương hiệu đặt hàng sản xuất. Các nhà máy đã dần siết chặt quy trình nhập nguyên liệu, quản lý kho bãi và nhân công. Tuy nhiên, đó cũng là lúc “hàng tuồn” đã “làm quen thị trường”. Những sản phẩm chất lượng nhận được sự tin dùng của người dùng, các thương hiệu lâu đời và nổi tiếng trên thế giới, xưa nay ở Việt Nam chưa biết thì nay đã trở nên phổ biến. Đó cũng là lúc lượng hàng hoá này trở nên “cung không đủ cầu”.
Với lợi thế nhân công, máy móc, bản thiết kế, kinh nghiệm nghề nghiệp và mối quan hệ trong chuỗi cung ứng từ thời gian làm việc trước đó. Một lực lượng lao động lành nghề đã tự phát triển sản phẩm bên ngoài, trong các xưởng tự phát với quy mô nhỏ hơn. Tạo ra hàng hoá để phục vụ lượng khách hàng đang tăng theo cấp số nhân, nhờ vào giá trị của thương hiệu bị đánh cắp hình ảnh, gắn lên sản phẩm.
Xét về nguồn gốc, hàng hoá được tạo ra trên dây chuyền này nói thằng ra là hàng Fake.
Chất lượng của loại hàng hoá này phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu và có đặc trưng là không ổn định.. Khi chuỗi cung ứng bị đứt đoạn hoặc vì mục đích muốn cắt giảm chi phí sản xuất, tối đa hoá lợi nhuận. Sự dễ dàng trong tìm kiếm và tiếp cận nguồn nguyên, phụ liệu thay thế có điểm tương đồng về hình thức từ Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm sẽ bị giảm sút theo.
Giảm đến mức không còn giống với hàng chính hãng ở bất cứ chi tiết nào nữa. Không có điểm số chung để đánh giá hàng hoá loại này. Nếu có, thì may mắn chỉ có điểm tối đa là 5/10.
Đối với balo 5.11 Tactical, theo kinh nghiệm của Chuyentactical – là doanh nghiệp tìm hiểu chuyên sâu thị trường để quyết định hợp tác trở thành Đại Lý Chính Hãng. Chúng tôi khẳng định thời điểm hiện tại (2020), lượng hàng Fake được gia công bằng nguồn nguyên liệu chất lượng tốt (đạt 80-90%) đã tuyệt chủng, vì các xưởng đạt tiêu chuẩn gia công ở mức đó hiện tại đã chuyến hướng sản xuất. Còn lại gần như các sản phẩm trôi nổi trên thị trường đều là hàng cực kỳ kém chất lượng.
Còn lại các sản phẩm bị đánh cắp trên dây chuyền sản xuất và vận chuyển, thanh lý tồn kho rất ít và chỉ loanh quanh dăm ba mã Rush Series. Tới tay người dùng giá thường rơi vào khoảng 60-70% so với hàng chính hãng. Số lượng rất ít, nhưng là vẫn có, nên đây là khái niệm bị lạm dụng để gian thương đánh đồng với các loại hàng Fake, lừa bán cho các bạn khách mới chưa rành.
Như những gì đã chia sẻ bên trên, thị trường “Việt Nam xuất khẩu”, dù là hàng dư, hàng hải quan, hàng mẫu, hàng lên,… Dù chất lượng đạt 10% hay 100% cũng đều chỉ là hàng hoá có được từ sự lỏng lẻo của quy trình quản lý gia công, vận chuyển hoặc dây chuyền gia công không chính thống. Tất cả các loại hàng này dù khái niệm và nguồn gốc khác nhau nhưng đều có một điểm chung: KHÔNG PHẢI là hàng chính hãng.
Theo quan điểm của chúng tôi : Tất nhiên là một chiếc balo chính hãng là sẽ tốt. Nhưng nếu túi tiền của bạn không cho phép, hãy chọn chiếc túi phù hợp với đồng tiền bạn bỏ ra. Đừng để các thương lái đánh lừa bạn bởi các khái niệm không rõ ràng. Trục lợi từ bạn bằng một sản phẩm kém chất lượng cùng sự lươn lẹo.
Bài viết này chỉ mang tính chia sẻ thông tin cho anh em có hứng thú chung về balo Tactical ở Việt Nam, trong gian đoạn trước, bây giờ và nhận định xu hướng ở những năm sắp tới. Về chủ đề kinh doanh và tiêu dùng chính thống, ChuyenTactical sẽ có một bài chia sẻ để cùng tìm hiểu ý nghĩa đích thực của hàng chính hãng, hàng chính ngach. Mong đây sẽ là sợi dây gắn kết giữa những người tiêu dùng thông thái cùng thương hiệu cho ra đời sản phẩm và các nhà phân phối, để cùng tôn vinh giá trị của sản phẩm chúng ta đang cầm trên tay.